Hoạt động - Tuyên truyền
GIỚI THIỆU LUẬT TỐ CÁO NĂM 2018 (Kỳ 1)
Thứ 5, Ngày 18/04/2019, 11:25 image

Luật Tố cáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018.

Chủ tịch nước ký Lệnh số 03/2018/L-CTN công bố ngày 25 tháng 6 năm 2018. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TỐ CÁO NĂM 2018

1. Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật  tố cáo năm 2011

Trong những năm qua, Luật Tố cáo năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo; giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nói riêng. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy Luật Tố cáo năm 2011 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2011 chưa quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp như: tố cáo việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ…

Luật Tố cáo năm 2011 cũng chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của các cơ quan như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy gây ra những khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết tố cáo của các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2011 quy định những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, một số quy định thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể trong việc xử lý đối với một số tình huống như: việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; quy định về việc rút đơn tố cáo; tạm dừng, đình chỉ giải quyết tố cáo, về tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp…

Thứ ba, về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo: Luật Tố cáo năm 2011 chưa quy định rõ về vấn đề này, do vậy trên thực tế đã diễn ra tình trạng có nhiều kết luận, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo đã ban hành, có hiệu lực pháp luật nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh, nhất là việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; xử lý sai phạm về kinh tế tài chính...Vì vậy, gây ra những bức xúc cho người dân và xã hội.

Thứ tư, về bảo vệ người tố cáo: Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo ra cơ chế pháp lý đầy đủ để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Do vậy, cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.

Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật vì vậy cần phải xây dựng, ban hành Luật Tố cáo mới nhằm khắc phục tình trạng đó.

2. Xây dựng Luật Tố cáo năm 2018 nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo

Khoản 1 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Hiến pháp năm 2013 đã có điểm mới so với Hiến pháp năm 1992 trong đó quy định quyền tố cáo là quyền con người chứ không chỉ dừng lại ở quyền công dân; đề cao vấn đề thực thi quyền con người, quyền công dân…Mặt khác, những thay đổi về quy trình tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng liên quan đến việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo của người dân trong Luật Tố cáo. Điều đó đặt ra yêu cầu quan trọng cần xây dựng Luật Tố cáo mới, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Luật Tố cáo mới cần có những quy định thể hiện rõ nét hơn tinh thần mới của Hiến pháp 2013 về quyền tố cáo với góc độ là quyền con người, quy định cụ thể việc bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết tố cáo…

3. Xây dựng Luật Tố cáo năm 2018 nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Việc xây dựng Luật Tố cáo năm 2018 cũng xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo:

-  Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 15/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trong đó đã nêu rõ: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo, bảo đảm các tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định pháp luật”. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm…”; “Bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác”.

- Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 26/5/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đưa ra giải pháp: “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện chức năng giám sát; của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Luật Tố cáo năm 2018 để thay thế Luật Tố cáo năm 2011 là cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG LUẬT

Việc xây dựng Luật Tố cáo (sửa đổi) dựa trên những quan điểm và nguyên tắc cơ bản sau:

1. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải quyết tố cáo, cải cách nền hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Luật Tố cáo mới được ban hành phải có nội dung và phạm vi điều chỉnh hợp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.

3. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật Tố cáo trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi.

4. Việc xây dựng Luật Tố cáo mới thay thế Luật Tố cáo năm 2011 trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác giải quyết tố cáo, triển khai thi hành Luật trong thời gian qua; kế thừa những nội dung còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

III. BỐ CỤC CỦA LUẬT

Luật Tố cáo (sửa đổi) bao gồm 67 điều, được bố cục thành 9 Chương, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8), quy định các nội dung về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo; nguyên tắc giải quyết tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết tố cáo; chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo.

Chương II. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 9 đến Điều 11), quy định các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo.

Chương III. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luậttrong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Chương này gồm 3 mục:

Mục 1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo, gồm 10 điều (từ Điều 12 đến Điều 21), quy định các nội dung về nguyên tắc xác định thẩm quyền; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác của nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Mục 2. Hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, gồm 6 điều (từ Điều 22 đến Điều 27), quy định các nội dung về hình thức tố cáo; tiếp nhận tố cáo; xử lý ban đầu thông tin tố cáo; tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo; tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến; xử lý tố cáo có dấu hiệu của tội phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm.

Mục 3. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, gồm 13 điều (từ Điều 28 đến Điều 40), quy định các nội dung về trình tự giải quyết tố cáo; thụ lý tố cáo; thời hạn giải quyết tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; trách nhiệm của Chánh Thanh tra các cấp và Tổng Thanh tra chính phủ; rút tố cáo; tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; việc tố cáo tiếp, giải quyết lại vụ việc tố cáo; giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết; hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Chương IV. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, gồm 3 điều (từ Điều 41 đến Điều 43), quy định các nội dung về nguyên tắc xác định thẩm quyền; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay.

Chương V. Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 44 đến Điều 46), quy định các nội dung về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; trách nhiệm của người bị tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Chương VI. Bảo vệ người tố cáo, Chương này gồm 3 mục:

Mục 1. Quy định chung, gồm 3 điều (từ Điều 47 đến Điều 49), quy định các nội dung về người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

Mục 2. Trình tự, thủ tục bảo vệ, gồm 6 điều (từ Điều 50 đến Điều 55), quy định các nội dung về đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ.

Mục 3Các biện pháp bảo vệ, gồm 3 điều (từ Điều 56 đến Điều 58), quy định các nội dung về biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 59 đến Điều 61), quy định các nội dung về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo; trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm thông tin, báo cáo trong công tác giải quyết tố cáo.

Chương VIII. Khen thưởng và xử lý vi phạm, gồm 4 điều (từ Điều 62 đến Điều 65), quy định các nội dung về khen thưởng; xử lý hành vi vi phạm của người giải quyết tố cáo; xử lý hành vi vi phạm của người có trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo và những người khác có liên quan.

Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 66 và Điều 67), quy định các nội dung về hiệu lực thi hành và quy định chi tiết.

Nguồn: TTra ()
Lượt xem: 1431
Bản in Quay lại
Tin mới hơn
Tin đã đưa
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin đăng nhập
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Thủ tục hành chính
image Quận
image Phường
image ISO
image Kết quả giải quyết KNTC image Công khai kết luận Thanh tra image Công khai ngân sách image Dự án Đấu thầu, mua sắm công image Các dự án đang triển khai image Các dự án hoàn tất