Quản lý đô thị - Giao thông - TNMT
TÀI LIỆU HỎI – ĐÁP VỀ XÂY DỰNG NHÀ Ở, NHÀ XƯỞNG
Thứ 2, Ngày 09/03/2020, 08:34 image

TÀI LIỆU HỎI – ĐÁP

VỀ XÂY DỰNG NHÀ Ở, NHÀ XƯỞNG

 

1.  Hỏi: Nhà ở riêng lẻ là gì?

              Trả lời: Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.

  1.  Hỏi: Công trình xây dựng là gì?

Trả lời: Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.

  1. Hỏi: Giấy phép xây dựng là gì?

            Trả lời: Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

  1. Hỏi: Giấy phép xây dựng có thời hạn là gì?

Trả lời: Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.

  1. Hỏi: Thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận Bình Tân?

Trả lời: Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi Giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận Bình Tân do ủy ban nhân dân quận Bình Tân cấp theo quy định tại Điều 103 của Luật xây dựng 2014.

  1. Thời gian cấp Giấy phép xây dựng là bao lâu?

Trả lời: Thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình nhà ở riêng lẻ là 15 ngày.

  1. Hỏi: Các trường hợp xây dựng phải lập thủ tục cấp Giấy phép xây dựng?

Trả lời: Việc đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo đối với công trình nhà ở  riêng lẻ phải được Ủy ban nhân dân các quận – huyện cấp Giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp sau:

  •  Trường hợp sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
  •  Trường hợp sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
  • Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;

Đối với các trường hợp xây dựng, sửa chữa cải tạo nhà ở riêng lẻ được miễn Giấy phép xây dựng, chủ đầu tư nên thông báo việc sửa chữa cải tạo xây dựng đính kèm nội dung đến Ủy ban nhân dân cấp xã để theo dõi và lưu hồ sơ (hạn chế trường hợp bị cơ quan chức năng phạt hành chính hành vi xây dựng không có Giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có Giấy phép xây dựng).

  1.  Hỏi: Số tầng cao tối đa của ngôi nhà được phép xây dựng như thế nào?

Trả lời: Đối với nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu (không thuộc khu dân cư của dự án quy hoạch 1/500), số tầng cao tối đa của tòa nhà được phép xây dựng xác định tùy theo lộ giới của đường (hẻm) tại vị trí của lô đất (Quy định cụ thể theo Quyết định 135/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn thành phố; Quyết định 45/2009/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 135/2007/QĐ-UBND). Đối với nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư mới thì số tầng cao tối đa của tòa nhà theo mẫu nhà được ban hành kèm theo Quyết định 1/500 hoặc văn bản của Kiến trúc sư Trưởng Thành phố trước đây (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc)

9. Hỏi: Tôi xin cấp phép xây dựng sau khi nộp hồ sơ và có giấy phép xây dựng thì khởi công xây dựng trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép. Vậy nếu quá trình xây dựng quá 12 tháng kể từ ngày được cấp phép thì giấy phép xây dựng còn hiệu lực không?

Trả lời: Căn cứ Khoản 10, Điều 90 Luật xây dựng năm 2014: “thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng”. Trường hợp công trình của ông đã khởi công xây dựng trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp Giấy phép xây dựng là phù hợp với quy định; Giấy phép xây dựng có hiệu lực đến khi hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng.

Trường hợp công trình đã được đăng ký khởi công xây dựng trong vòng 12 tháng (kể từ khi được cấp Giấy phép xây dựng). Giấy phép xây dựng này có hiệu lực đến khi hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng hoặc hết hiệu lực khi công trình đã đăng ký khởi công nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không còn mang tên cá nhân được cấp phép xây dựng trước đây.

10. Hỏi: Tôi mua một căn nhà hiện đang bị tình trạng sụp, nghiêng, lún,.. và muốn xin giấy phép xây dựng lại thì xin cấp phép ở đâu?

Trả lời: Căn cứ khoản 3, Điều 4 Quyết định 26/2017/ QĐ-UBND thì “Ủy ban nhân dân quận, huyện: tổ chức thực hiện cấp Giấy phép xây dựng theo thẩm quyền đã được quy định tại Khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014, bao gồm: nhà ở riêng lẻ; công trình tín ngưỡng, quảng cáo, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (trừ các trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về viễn thông) và các công trình còn lại thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý (trừ các công trình đã được Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp cho Sở Xây dựng và Ban Quản lý các khu chức năng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này)”. Do đó, trường hợp nêu trên thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận xem xét giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng theo quy định.

11. Hỏi: Thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ?

Trả lời: Khi có nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa cải tạo công trình nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép giấy dựng cho Ủy ban nhân dân các quận – huyện, theo Thông tư 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Chính phủ, thành phần hồ sơ cụ thể như sau:

a/ Hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng mới:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Chính phủ.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Bản vẽ thiết kế xây dựng.

  - Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu quy định nêu trên, hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.

  - Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

b/ Hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng sửa chữa cải tạo:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở, theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Chính phủ.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định của pháp luật hoặc bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10x15cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

- Đối với các công trình nhà ở có liên quan đến di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải có bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.

12. Hỏi: Thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng có thời hạn?

Trả lời: Thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng có thời hạn như quy định đối với nhà ở riêng lẻ. Riêng tiêu đề của đơn được đổi thành “ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn”;

Văn bản cam kết tự phá dỡ công trình khi hết thời hạn tồn tại được ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế phá dỡ. Trường hợp công trình theo giấy phép xây dựng có thời hạn hết thời hạn tồn tại, nhưng Nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch xây dựng, nếu chủ đầu tư có nhu cầu sử dụng sử dụng tiếp thì đề nghị với cơ quan cấp phép xem xét cho phép kéo dài thời hạn tồn tại.

13. Hỏi: Nếu được cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn thì quy mô nhà ở riêng lẻ được cấp phép tối đa là bao nhiêu tầng?

Trả lời: Quy mô nhà ở riêng lẻ được cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn phải hài hòa với kiến trúc, cảnh quan khu vực nhưng không được vượt quá 03 tầng (xác định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật hiện hành); các trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 3 Quyết định 26/2017/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định một số nội dung về cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

14. Hỏi: Năm 2000, tôi có mua một miếng đất bằng giấy tay, chưa được cấp sổ đỏ, vậy không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có được cấp giấy phép xây dựng không?

Trả lời: Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP, giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng là giấy tờ thuộc một trong các loại sau:

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo quy định của Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2001, Luật đất đai năm 2003.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của Luật đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.

3. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.

4. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định tại Pháp lệnh nhà ở năm 1991; Luật nhà ở năm 2005; Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam; Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng; Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở; Nghị định số 51/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Điều 31, Điều 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; các giấy chứng nhận khác về quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng qua các thời kỳ.

5. Các loại giấy tờ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận gồm: Các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai năm 2013Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013 và quy định tại khoản 16 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và được cơ quan đăng ký đất đai xác nhận đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

6. Giấy tờ về đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ sau ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, gồm: Quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng thuê đất kèm theo (nếu có) hoặc giấy tờ về trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Báo cáo rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra và quyết định xử lý theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

8. Giấy tờ về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng để thực hiện xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hoặc di dời các công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013.

9. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với công trình xây dựng biển quảng cáo, trạm viễn thông, cột ăng-ten tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

10. Hợp đồng thuê đất được giao kết giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và người quản lý, sử dụng công trình giao thông hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đối với công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho giao thông theo quy định của pháp luật.

11. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất đã có giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này nhưng đề nghị được cấp giấy phép xây dựng sử dụng vào mục đích khác với mục đích sử dụng đất đã được ghi trên giấy tờ đó.

12. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đề nghị của cơ quan cấp giấy phép xây dựng để xác định diện tích các loại đất đối với trường hợp người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này nhưng trên các giấy tờ đó không ghi rõ diện tích các loại đất để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng.

Vậy theo quy định trên thì nhà đất đươc mua đất bằng giấy tay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì không thể cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Do đó, người dân cần liên hệ phòng Tài nguyên và Môi trường quận, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận để được hướng dẫn lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.

15. Hỏi: Tôi có mua một miếng đất trong dự án khu dân cư An Lạc – Bình Trị Đông. Trước đây không cần xin phép xây dựng, hiện nay tôi nghe nói khi xây dựng nhà phải xin phép xây dựng tại Ủy ban nhân dân quận, có đúng như vậy không?

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 quy định: “Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Theo khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng, công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm nhiều loại, trong đó có nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa. Như vậy, trường hợp xây dựng trong Khu dân cư An Lạc – Bình Trị Đông thì cần phải có giấy phép xây dựng do Ủy ban nhân dân quận cấp

16. Hỏi: Khi thực hiện việc cấp phép xây dựng có thời hạn, có được áp dụng Quyết định 135/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2007 và Quyết định 45/2009/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố hay không?

Trả lời: Quyết định 26/2017/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm xử lý một số trường hợp cụ thể, phù hợp thực tiễn đô thị thành phố Hồ Chí Minh; đáp ứng nhu cầu xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện theo quy hoạch. Theo đó, về tầng cao xây dựng nhà ở phải hài hòa kiến trúc, cảnh quan khu vực nhưng không quá 03 tầng; các chỉ tiêu còn lại như: mật độ xây dựng, khoảng lùi, vạt góc tại giao lộ…được áp dụng phù hợp theo các quy định hiện hành như: Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng; các Quy chế, Quy định về kiến trúc, cảnh quan… có liên quan.

Vì vậy, đối với nhà ở liên kế cũng được áp dụng các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, khoảng lùi, vạt góc tại giao lộ…theo Quyết định 135/2007/QĐ-UBND và Quyết định 45/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố.

  1. Hỏi: Như thế nào gọi là xây dựng sai giấy phép được cấp? 

Trả lời: Xây dựng sai phép là hành vi thi công xây dựng sai so với nội dung Giấy phép xây dựng được cơ quan quản lý nhà nước cấp và bản vẽ đính kèm Giấy phép xây dựng, cụ thể:

  • Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
  • Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
  • Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
  1. Hỏi: Bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng sai phép ra sao?

Trả lời: Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng sai phép như sau:

  •  Phạt tiền:

a/ Đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo như sau:

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này 17.

b/ Đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này.
  •  Biện pháp khắc phục hậu quả:

                 a/ Đối với hành vi vi phạm thi công xây dựng sai phép mà hành vi vi phạm đã kết thúc: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm;

                 b/ Đối với hành vi vi phạm thi công xây dựng sai phép mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

  • Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
  • Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng;
  • Hết thời hạn thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

c/ Sau khi được điều chỉnh giấy phép xây dựng, công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.

  1.  Hỏi: Tôi có sở hữu một lô đất diện tích 120m², mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp, tôi dự kiến xây dựng 01 căn nhà trệt tại lô đất trên, như vậy có được không? Nếu xây dựng thì bị xử lý như thế nào?

              Trả lời: Nếu lô đất của ông (bà) đang sở hữu có mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp thì ông (bà) không được phép xây dựng nhà ở. Hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng (đất nông nghiệp) thì sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; ngoài việc bị xử phạt tiền còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: “ Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”; “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm ”.

  1.  Hỏi: Tôi là chủ sử dụng 01 lô đất tại phường Bình Trị Đông, hiện tôi đã có giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và đang tổ chức thi công công trình. Trong quá trình thi công thì nhà kế bên xảy ra nứt tường, lún sụt đất; vậy tôi có phải chịu trách nhiệm không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 và Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ: hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ bị xử phạt như sau:

  • Xử phạt đối với Chủ đầu tư:
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn;
  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

- Xử phạt đối với Đơn vị thi công:

  •  Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn;
  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

Đồng thời, theo Thông tư số 03/2018/BXD-TT ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng về quy định chi tiết một số Điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, sau khi Biên bản vi phạm hành chính được lập, chủ đầu tư và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại và một bên có đơn yêu cầu gửi Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết thì sẽ được giải quyết theo trình tự quy định cụ thể tại Thông tư trên.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN BÌNH TÂN

 

Nguồn: PQLĐT ()
Lượt xem: 1257
Bản in Quay lại
Tin mới hơn
Tin đã đưa
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin đăng nhập
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Thủ tục hành chính
image Quận
image Phường
image ISO
image Kết quả giải quyết KNTC image Công khai kết luận Thanh tra image Công khai ngân sách image Dự án Đấu thầu, mua sắm công image Các dự án đang triển khai image Các dự án hoàn tất