TIN ANTT - PCCC
Tài liệu tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, kỷ năng thoát hiểm, xử lý sự cố cháy nổ xảy ra tại hộ gia đình
Thứ 4, Ngày 10/06/2020, 11:26 image

Tài liệu tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, kỷ năng thoát hiểm, xử lý sự cố cháy nổ xảy ra tại hộ gia đình

 

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống nhân dân, trong đó tính từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn quận Bình Tân đã xảy ra 07 vụ cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và nguy cơ trực tiếp đe dọa tính mạng của con người, đặc biệt trong số đó có vụ cháy xảy ra vào sáng ngày 31/5/2020 tại nhà dân số 617 Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, hậu quả làm 01 người chết và 04 người bị thương. Do đó để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, góp phần kiếm chế, kéo giảm số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trong thời gian tới, Công an quận Bình Tân tuyên truyền đến bà con nhân dân một số giải pháp, biện pháp, kỹ năng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, như sau:
I. CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG CHÁY
1. Chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật và kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và địa phương tổ chức; tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy tại địa phương theo quy định.
2. Thường xuyên tự kiểm tra nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý của mình; biết cách sử dụng các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy thông dụng, cách thoát nạn khi có sự cố.
3. Hệ thống điện phải được thiết kế riêng biệt giữa các khu vực với nhau; phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải (cầu chì, aptomat...) cho hệ thống điện chung tòa nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn (điều hòa, bếp điện, lò nướng...). Khi lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện phải tính toán để không gây quá tải cho hệ thống điện.
4. Không xây bít ô thông tầng nhằm đảm bảo thoát khói tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng cần thiết kế, lắp đặt các lỗ cửa thoát khói tự nhiên trong nhà thông qua mái nhà, hành lang, gian phòng tại các tầng.
5. Đối với khu vực kinh doanh, sản xuất phải trang bị số lượng bình chữa cháy đảm bảo diện tích bảo vệ theo quy định của mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.
6. Hàng hóa dễ cháy phải bố trí cách các thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt như bóng đèn, ổ cắm, cầu dao..., khu vực phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,7m.
7. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, các bức tường xung quanh và trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật không cháy, hạn chế tối đa vàng mã hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, hương khi có người lớn ở nhà trông coi, che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
8. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khói khí độc khi nổ máy.
9. Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
10. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế gây cháy lan.
11. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
12. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp đặt thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi xảy ra cháy.
13. Đối với nhà chỉ có 01 lối ra thoát nạn, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp như: lối thoát qua ban công, lôgia, lối lên sân thượng hoặc lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm.
14. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nan, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.
15. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát ạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
II. KỸ NĂNG THOÁT NẠN KHI CÓ SỰ CỐ CHÁY, NỔ XẢY RA
* Kỹ năng 1: Bình tĩnh, không hoảng loạn, dùng khăn thấm nước che mặt, che người hoặc sử dụng mặt nạ lọc độc (nếu có), tự mình thoát nạn và hướng dẫn người thân thoát nạn theo các hướng hành lang, cầu thang bộ, mái nhà, ban công, lối đi phụ khác,…
* Kỹ năng 2: Đi khom lưng hoặc bò trên đường di chuyển để tránh bị nhiễm khói khí độc
* Kỹ năng 3: Đóng các cửa trên đường di chuyển để tránh lửa lan rộng ra hoặc cô lập đám cháy.
* Kỹ năng 4: Kiểm tra nhiệt độ cánh cửa bằng mu bàn tay, nếu phát hiện cửa nóng tìm lối di chuyển khác.
* Kỹ năng 5: Nếu mắc kẹt trong đám cháy, hạn chế khói khí độc lan vào phòng bằng cách sử dụng chăn ướt, băng keo dính,… bịt kín các khe cửa, tuyệt đối không ẩn nấp dưới gầm giường, nhà vệ sinh, tủ quần áo, không vực khó tìm thấy.
* Kỹ năng 6: Nếu chẳng may bị lửa tạt vào người, tuyệt đối không chạy hay cởi quần áo, lập tức nằm xuống sàn nhà lăn qua lăn lại vài vòng để dập lửa.
III. QUY TRÌNH CỨU CHỮA VỤ CHÁY, NỔ BAN ĐẦU
* Bước 1: Báo động, hô hoán, gõ kẽng, phát hiệu lệnh báo khẩn khi phát hiện cháy.
* Bước 2: Ngắt toàn bộ hệ thống, thiết bị điện khu vực bị cháy.
* Bước 3: Sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, nước (khi đảm bảo đã ngắt điện), cát, chăn,… để dập lửa.
* Bước 4: Gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 và thông báo đến các cơ quan chức năng gần nhất.

“Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi công dân”
“An toàn của các bạn là hạnh phúc của chúng tôi”
CÔNG AN QUẬN BÌNH TÂN
Địa chỉ: Số 1114, Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân
Điện thoại (Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận Bình Tân): 0997389705
Số điện thoại báo cháy: 114

ĐỘI XÂY DỰNG PHONG TRÀO BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC

Nguồn: ĐỘI XÂY DỰNG PHONG TRÀO BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC ()
Lượt xem: 941
Bản in Quay lại
Tin mới hơn
Tin đã đưa
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin đăng nhập
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Thủ tục hành chính
image Quận
image Phường
image ISO
image Kết quả giải quyết KNTC image Công khai kết luận Thanh tra image Công khai ngân sách image Dự án Đấu thầu, mua sắm công image Các dự án đang triển khai image Các dự án hoàn tất